3. Đề kiểm tra chính thức

  • Due No due date
  • Points 10
  • Questions 26
  • Time Limit 42 Minutes

Instructions

KIỂM TRA HỆ SỐ 3

MÔN ĐỌC VÀ DIỄN ĐẠT – KHỐI 9

THỜI GIAN: 40 PHÚT

I. PHẦN NGHE - HIỂU (3.0 ĐIỂM)

HS nghe văn bản và trả lời 6 câu hỏi bên dưới (từ câu 1 đến câu 6 )

   

II. PHẦN ĐỌC - HIỂU (7.0 điểm)

- HS đọc văn bản 1 và trả lời từ câu 7 đến câu 17

- HS đọc văn bản 2 và trả lời từ câu 18 đến câu 26

Văn bản 1: 

(1) Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được

Sự khác nhau tinh tế giữa hai điều

Một thứ là cái nắm tay thật chặt

Và gông xiềng mà ngỡ đó là yêu.

 

(2) Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được

Yêu không hề là dựa dẫm hoàn toàn

Và nếu có một đồng hành dai dẳng

Thì cũng chưa ai chắc sẽ bình an.

 

(3) Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được

Hôn nhau không có nghĩa ký hợp đồng

Những món quà không hề là tín vật

Hôn và quà đâu có nghĩa là xong.

 

(4) Rồi sẽ có một ngày ta chấp nhận

“Mình đã thua” theo cách một quý bà

Mắt thẳng nhìn, đầu ngẩng cao đĩnh đạc

Chứ không như một đứa trẻ lu loa.

 

(5) Rồi sẽ có một ngày ta biết cách

Chọn ngay cho mình những nẻo yên vui

Ai biết được lỡ ngày mai bất trắc

Chuyện tương lai thì quá dễ thay dời.

 

(6) Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được

Nắng ngoài kia dù lấp lánh niềm vui

Rồi nó cũng sẽ làm mình bỏng rát

Lỡ khi ta say ngủ dưới mặt trời.

 

(7) Rồi sẽ có một ngày ta biết cách

Tự trồng nên cả một mảnh vườn xinh

Thay vì cứ buồn sầu chờ ai đó

Hái dăm hoa rồi mang đến cho mình.

 

(8) Rồi sẽ đến một ngày ta hiểu được

Dù lòng ta có tha thiết thế nào

Người cứ vẫn lạnh lùng không cảm động

Vậy thì thôi, chứ còn biết làm sao.

 

(9) Rồi sẽ đến một ngày ta thấu suốt

Một người kia dù có tốt cách gì

Cũng có lúc sẽ làm mình đau đớn

Và mình cần phải học cách quên đi.

 

(10) Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được

Một lần sai ôi mất cả thành trì

Mối giao tình xây nhiều năm khó nhọc

Chút sai lầm là có thể tan đi.

 

(11) Rồi sẽ có một ngày ta thấu rõ

Bạn bè kia không máu mủ ruột rà

Nhưng họ là anh em mình có được

Mà chả cần xin xỏ ở mẹ cha.

 

(12) Rồi sẽ có một ngày ta chấp nhận

Bạn đổi thay là một chuyện rất thường

Ai mà chẳng có khi này khi khác

Chả lẽ rồi mình đổi bạn mình luôn.

 

(13) Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được

Chính ta nên là bạn tốt của mình

Vì những người trên đời ta yêu nhất

Chẳng bên ta trong mọi nẻo hành trình.

 

(14) Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được

Đời sống kia dẫu cay đắng thế nào

Thì mình cũng chả nên hùa theo nó

Mà quên đem gieo xuống chút ngọt ngào…

 

(15) Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được

Qua đớn đau, mình mạnh mẽ chừng nào

Ta sẽ hiểu, và rồi ta sẽ hiểu

Mọi chuyện đời qua những cuộc ly tao.

 

(Nguyễn Thiên Ngân, “Rồi sẽ có một ngày ta hiểu được…”, Ôm Mỏ Neo Nằm Mộng Những Chân Trời, TP.HCM, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM, 2018

 

Văn bản 2: 

Tôi bỏ quê nhà lên Bắc Kinh thấm thoát đã sáu năm rồi. Trong thời gian đó, những việc gọi là “quốc gia đại sự”, mắt thấy tai nghe, kể cũng không phải ít, nhưng chẳng để lại một tí dấu vết nào trong lòng tôi cả. Giá bảo tìm xem có ảnh hưởng gì đến tôi không thì phải nói, chỉ làm cho tôi càng thêm gàn dở, mà thành thực hơn thì phải nói, chỉ làm cho tôi càng thêm khinh người. Nhưng có một việc tầm thường đối với tôi lại có ý nghĩa, khiến tôi phải bỏ tính gàn dở đi, và cho đến nay, vẫn không hề quên.

Ấy là vào mùa đông năm Dân quốc thứ 6 (tức năm 1917). Gió bắc thổi mạnh lắm, nhưng vì sinh kế, vừa sáng sớm, tôi đã phải ra đường. Dọc đường, hầu như không gặp ai cả. Vất vả lắm mới thuê được một chiếc xe kéo, bảo kéo đến cửa S. Một lát, gió dịu dần. Mặt đường không còn một hạt bụi, sạch bóng, trắng xóa. Anh xe chạy càng nhanh. Gần đến cửa S., bỗng một người nào đó vướng phải càng xe, rồi ngã dần dần xuống.

Đó là một người đàn bà, tóc hoa râm, áo quần rách rưới. Bà ta từ bên kia lề đường thình lình chạy qua chiếc xe, anh xe đã tránh rồi, nhưng cái áo bông bà ta không gài khuy, gió thổi lật lên, vướng vào càng xe. May mà anh xe đã bước chậm lại rồi, không thì đã ngã lộn nhào đến vỡ đầu mất!

Bà ta vẫn nằm phục dưới đất, anh xe cũng vừa dừng lại. Tôi đoán bà ta chẳng bị thương tích gì, vả nếu có cũng không trông thấy. Tôi trách anh xe đến đa sự, tự chuốc lấy việc lôi thôi vào mình làm tôi phải đi trễ.

Tôi nói:

- Không việc gì đâu mà! Kéo đi thôi!

Anh xe chẳng để ý lời tôi nói, hoặc giả không nghe thấy chăng, cứ đặt xe xuống, đi lại dìu bà kia dậy, đỡ lấy cánh tay cho bà ta đứng vững, rồi hỏi:

- Có làm sao không?

- Ngã đau lắm.

Tôi nghĩ bụng: “Chính mắt tôi trông thấy bà ngã dần dần xuống kia mà, làm sao lại có thể đau được! Chỉ được cái làm bộ thôi. Thật đáng ghét. Còn anh, cũng đa sự, tự chuốc lấy phiền não vào thân, bây giờ mặc kệ anh, anh xoay sở lấy”.

Anh xe nghe bà kia nói như thế, nhưng không chần chừ tí nào, vẫn đỡ lấy cánh tay bà ta, dìu đi từng bước một về phía trước. Tôi hơi lấy làm ngạc nhiên, vội nhìn về phía trước. Thì ra, phía trước là một cái đồn cảnh sát. Sau trận gió lớn, không thấy ai đứng gác ở ngoài. Chính anh xe đang dìu bà đi tới cổng cái đồn ấy.

Lúc bấy giờ, tôi vụt có cảm giác rất lạ: cái bóng anh xe, người đầy cát bụi kia, nhìn từ phía sau, bỗng to dần ra. Anh càng bước tới, cái bóng càng to thêm, phải ngước lên mới nhìn thấy được, và dần dần cơ hồ biến thành một sức nặng đè lên người tôi đến nỗi làm cho cái “thằng tôi nhỏ nhen”, che giấu dưới lần áo da, như muốn lòi ra ngoài.

Sức sống của tôi lúc đó chừng như ngừng trệ lại. Tôi cứ ngồi lì trên xe không nhúc nhích, cũng không suy nghĩ, cho đến khi thấy một người cảnh sát từ trong đồn đi ra, mới bước xuống.

Người cảnh sát đến gần nói:

- Ông thuê xe khác mà đi. Anh xe này không kéo được cho ông nữa.

Không nghĩ ngợi, tôi lấy một nắm xu trong túi áo ngoài đưa cho người cảnh sát, nói:

- Bác đưa lại cho anh xe hộ tôi!

Gió lặng hẳn. Đường vẫn vắng. Tôi vừa đi vừa nghĩ, nhưng hình như lại sợ không dám nghĩ đến con người tôi. Thôi thì hẵng tạm không nói đến việc xảy ra vừa rồi, nhưng cái nắm xu kia là có ý nghĩa gì? Thưởng cho anh ta phải không? Tôi mà còn xứng đáng để thưởng cho một người như anh xe kia ư? Tôi không thể tự trả lời được.

Mẩu chuyện này, đến bây giờ, tôi thường thường vẫn nhớ tới, và do đó, cảm thấy đau khổ vô cùng và cố gắng suy nghĩ về con người tôi. Mấy năm lại đây, bao nhiêu chuyện văn trị võ công1 tôi đều quên hết, như đã quên những câu “Tử viết Thi văn”2 hồi còn nhỏ. Duy có mẩu chuyện nhỏ này cứ hiện lên trước mắt, có lúc còn rất rõ ràng, khiến tôi hết sức xấu hổ, thúc giục tôi phải tự sửa mình, và cũng làm cho tôi càng thêm can đảm, càng thêm hi vọng.

Tháng 7 năm 1920

(Lỗ Tấn, “Một chuyện nhỏ”, Tuyển tập truyện ngắn Lỗ Tấn, TP.HCM, NXB Văn học, 2016)

Chú thích:

  1. Văn trị võ công: Cai trị thì dùng văn, đánh giặc có công trạng thì dùng võ. Đó là một thành ngữ sẵn có. Lúc bấy giờ bọn quân phiệt cầm quyền thống trị, về cai trị chỉ đè ép nhân dân, chẳng có gì là văn, giặc thì không đánh, chỉ vì tranh quyền đoạt lợi, trong nước đánh với nhau, chẳng có gì là võ.
  2. “Tử viết Thi văn”: trong sách Luận ngữ và sách Trung dung, thường có chữ Tử viết, nghĩa là Khổng Tử nói; lại hai sách ấy và sách Đại học, sách Mạnh Tử cũng thường có chữ Thi văn, nghĩ là dẫn lời Kinh Thi. Đó cũng là một thành ngữ, có ý mỉa mai: cái gì cũng theo lời của người xưa.
Only registered, enrolled users can take graded quizzes